PrEP được hiểu là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Nước ta bắt đầu triển khai thí điểm điều trị PrEP từ năm 2017 và cho đến nay đã phổ biến hơn hơn rất nhiều. Với nhiều người, PrEP có lẽ là thuật ngữ khá quen thuộc nhưng tuy nhiên vẫn còn không ít cá nhân chưa thực sự hiểu bản chất và tác dụng của phương pháp điều trị này.
PrEP là gì?
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là phương pháp sử dụng thuốc kháng HIV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm virus HIV nhưng có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Thuốc PrEP đang được sử dụng tại Việt Nam là thuốc ở dạng viên uống kết hợp giữa hai loại thuốc là Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC) với hàm lượng 00mg/200mg, mỗi ngày 1 viên. Người dùng nên uống thuốc ở 1 thời điểm cố định trong ngày để tạo thói quen uống thuốc hằng ngày. Nếu sử dụng PrEP tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nó sẽ hầu như loại bỏ nguy cơ bạn bị nhiễm HIV với hiệu quả dự phòng phơi nhiễm HIV lên đến 96 – 99%.
PreP không phải là vắc xin bởi vắc xin giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài. Trong khi đó PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV.
Đối tượng sử dụng PrEP
PrEP dành cho những người chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP được sử dụng đối với: nam giới có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người tiêm chích ma túy; người bán dâm; bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị ARV nhưng tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml máu.
PrEP có thể là lựa chọn tốt cho bạn nếu:
- Bạn có vợ/chồng hoặc một mối quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà người đó có tải lượng HIV chưa dưới ngưỡng phát hiện hoặc không rõ tải lượng HIV của bạn tình là bao nhiêu.
- Bạn là người nam đồng tính hoặc nam lưỡng tính, có nhiều bạn tình nhưng bạn không sử dụng bao cao su một cách thường xuyên.
- Bạn đang trong một mối quan hệ tình dục nhưng chưa biết tình trạng HIV của bạn tình và bạn không sử dụng bao cao su thường xuyên.
- Bạn không sử dụng bao cao su với bạn tình khác giới nhưng không biết tình trạng nhiễm HIV của bạn tình và có nguy cơ nhiễm HIV cao.
- Bạn sử dụng chung bơm kim tiêm với người khác hoặc tham gia chương trình điều trị cho người nghiện tiêm chích ma túy.
- Nếu bạn là phụ nữ muốn mang thai mà bạn tình lại bị nhiễm HIV, có thể dùng PrEP để bảo vệ bản thân và con cái không bị lây nhiễm bệnh.
Hiện nay PrEP được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước và Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai biện pháp điều trị dự phòng này ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian tới. Hãy liên hệ với các trung tâm điều trị HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố nơi mình sống để được biết thêm thông tin chi tiết.
PrEP có tác dụng phụ không?
Ở một số người, PrEP có thể gây ra một số các tác dụng phụ nhỏ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chóng mặt. Nhưng những điều này thường sẽ biến mất trong một khoảng thời gian ngắn từ 1-2 tuần.
Trong một số trường hợp, PrEP cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng thận. Nếu bạn đang sử dụng PrEP và gặp bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc tác dụng phụ kéo dài, cần đến ngay cơ sở PrEP và gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn và kiểm tra.
PrEP có cần phải điều trị suốt đời hay không?
Khác với điều trị HIV, bạn không cần sử dụng PrEP suốt đời mà có thể ngừng sử dụng khi không còn nguy cơ lây nhiễm HIV nữa.
– Đối với người nữ quan hệ tình dục qua đường âm đạo và nguy cơ lây nhiễm qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
– Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: PrEP cần được tiếp tục sử dụng 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
Nếu bạn ngừng sử dụng PrEP, cần đến cơ sở điều trị PrEP để kiểm tra lần cuối và thực hiện các chỉ định của bác sĩ. Một người cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu sử dụng PrEP hoặc khi tái sử dụng PrEP sau khi đã ngừng một thời gian. Chỉ dùng PrEP khi xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính.
PrEP không phòng ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác ngoài HIV như giang mai, bệnh lậu, chlamydia, sùi mào gà. Khi dùng PrEP, vẫn cần sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh này.
Kết luận
PrEP là phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được sử dụng phổ biến với hiệu quả cao lên đến 96-99%. Nếu bạn thấy mình đang có nguy cơ phơi nhiễm HIV, hãy đến ngay các trung tâm y tế uy tín để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.